Hơn 50.000 người bị sốt xuất huyết, bác sĩ chỉ ra 3 điều tuyệt đối không được làm để tránh mất mạng



Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát trên phạm vi cả nước. Tính đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 50.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết trong đó có 15 trường hợp tử vong.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, dịch sốt xuất huyết hiện đang rất căng thẳng tại Hà Nội và cả phía Nam. Đáng chú ý là số ca mắc ở miền Bắc năm nay tăng nhanh, diễn biến bất thường do khí hậu thay đổi, mưa nhiều. Sau mưa hình thành những nơi nước tù đọng, tạo điều kiện cho ổ muỗi gây bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng, nở ra thành bọ gậy (lăng quăng) và phát triển thành muỗi gây bệnh.

Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương mỗi ngày có tới 200 bệnh nhân bị sốt xuất huyết đến khám và điều trị. Riêng tại Hà Nội trong tuần qua đã ghi nhận thêm gần 1.200 ca bệnh mắc sốt xuất huyết.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính chia sẻ năm nay dịch ở Hà Nội phức tạp và nhiều bệnh nhân nặng. So với mọi năm, bệnh nhân sốt xuất huyết năm nay tử vong do biến chứng xuất huyết nội tạng, xuất huyết não là vấn đề gây quan ngại và bất thường. So với những năm trước, bệnh viện chỉ ghi nhận 1 – 2 ca tử vong liên quan đến xuất huyết não thì năm nay đã có 5 bệnh nhân tử vong do biến chứng này.
cach-ngua-benh-sot-xat-huyet
Việc chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết không đúng cách là một trong những nguyên nhân dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng trên. Vì vậy, khi chăm sóc người bệnh cần phải thận trọng, đặc biệt là ở khâu hạ sốt.

Khi sốt cao trên 39oC có thể dùng thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm, không hạ sốt bằng nước đá lạnh vì sẽ gây co mạch.

Đặc biệt, thuốc hạ sốt với sốt xuất huyết chỉ được dùng là paracetamol đơn chất.

TS Đỗ Duy Cường – Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh tuyệt đối không được làm 3 điều sau để tránh bệnh gây biến chứng nghiêm trọng thậm chí tử vong:

Thứ nhất: không dùng thuốc aspirin, ibuprofen để hạ sốt vì có thể gây xuất huyết, toan máu.

Thuốc aspirin và ibuprofen cùng có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu. Aspirin còn có tác dụng phụ là loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày, ói ra máu.

Với bệnh nhân sốt xuất huyết, khi uống asprin và ibuprofen sẽ gây ra tình trạng rối loạn đông máu, khiến cho cơ thể dễ bị chảy máu. Ở thể nhẹ sẽ bị xuất huyết dưới da với các chấm đỏ trên da hoặc vết bầm. Ở thể nặng sẽ gây chảy máu răng, chảy máu cam, nôn (ói) ra máu hoặc tiêu phân đen.

Thứ hai: không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị sốt xuất huyết vì có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng.

Thứ ba: Không dùng kháng sinh vì sốt xuất huyết là sốt do vi rút nên tuyệt đối không dùng kháng sinh để điều trị vì kháng sinh không có tác dụng với vi rut.

Ngoài thuốc hạ sốt cần bù dịch sớm bằng đường uống như nước oresol, nước trái cây (nước dừa, nước cam, nước chanh), hoặc nước cháo loãng với muối. Ăn uống đủ chất, bổ sung dinh dưỡng cần thiết, không kiêng tắm rửa mà nên giữ vệ sinh sạch sẽ.

Phòng bệnh sốt xuất huyết

Bác sĩ Cường cũng cho biết sốt xuất huyết là bệnh không có vắc xin, do đó, biện pháp phòng chống hiệu quả là diệt muỗi, bọ gậy và ngăn ngừa muỗi đốt.

- Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết:

Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Chúng thường trú đậu trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao tù, vũng nước đọng hoặc các dụng cụ chứa nước ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây, các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát kê chạn, lốp xe, vỏ dừa...

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy bằng cách:

Thả cá vào tất cả các vật chứa nước trong nhà (bể, giếng, chum, vại, lu, khạp...) để diệt bọ gậy.

Thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

Thay nước các vật chứa nước thường xuyên.

Bỏ muối vào bát kê chân chạn (tủ đựng chén bát), cho cát ẩm vào lọ hoa (bình bông).

- Khi xảy ra dịch cần tăng cường các biện pháp chống dịch, làm giảm nhanh mật độ muỗi trong cộng đồng bằng cách phun hóa chất diệt muỗi vào không gian.

- Ngừa muỗi đốt: Mặc quần áo dài tay. Ngủ trong màn (mùng) kể cả ban ngày. Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi... Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi. Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt sẽ truyền bệnh cho người khác.

Theo TTVN